CICT News - Thuế đối ứng 46% của Mỹ và ảnh hưởng đến xuất khẩu?
Việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 46% lên hàng hóa Việt Nam là một cú sốc lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Xuất khẩu sang Mỹ sẽ sụt giảm, đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia. Các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại nặng nề, kéo theo nguy cơ giảm GDP và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi lợi thế tiếp cận thị trường Mỹ - vốn là động lực thu hút FDI suốt thời gian qua - đang suy giảm.
Với sắc thuế đối ứng của Mỹ, nhóm hàng Việt chịu ảnh hưởng lớn gồm máy móc, thiết bị, linh kiện, điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, thủy sản, nhựa, cao su, gỗ, giấy bột giấy. Theo số liệu của Cục Hải Quan, tổng lượng hàng Việt Nam xuất sang Mỹ năm ngoái trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ nơi này 15,1 tỷ USD. Có 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD và 3 nhóm áp đảo là máy tính - linh kiện (23,2 tỷ USD), máy móc thiết bị (22 tỷ USD) và dệt may (16,2 tỷ USD). Như vậy, nếu kim ngạch xuất khẩu Việt - Mỹ không đổi, ở 119 tỷ USD/năm, thì mức thuế 46% áp cho hầu hết mặt hàng sẽ khiến hàng Việt gánh thêm 54,74 tỷ USD, tức hơn 10% GDP Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài thuộc 6 nhóm ngành nghề sau có khả năng rời khỏi Việt Nam vì thuế, với mức độ nguy cơ từ rất cao, cao đến cao - trung bình: đồ chơi và dụng cụ thể thao, giày dép, điện tử và linh kiện bán dẫn, dệt may, sản xuất sản phẩm nhựa, hóa chất; đồ nội thất. Hơn nữa, hàng Việt cũng bị giảm tính cạnh tranh nếu xét trên tương quan với các đối thủ chính, khi phải chịu thuế cao hơn 10 - 20%. Với việc khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng tới người tiêu dùng Mỹ, sắc thuế sẽ làm xói mòn khả năng cạnh tranh về giá, gây ra tình trạng hủy đơn hàng và buộc doanh nghiệp chịu lỗ hoặc chuyển sản xuất sang nơi khác.
Trước mắt, doanh nghiệp có thể sẽ phải chấp nhận giảm giá bán các đơn hàng đã có để cùng gánh một phần thuế với nhà nhập khẩu Mỹ hoặc chấp nhận đối tác hủy đơn. Sau đó, lượng đơn hàng có thể giảm mạnh. Sắc thuế cũng có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến chi phí đầu vào tăng và làm giảm nhu cầu của nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, đồng thời tạo ra nhiều ảnh hưởng gián tiếp đáng lo ngại không kém. Những tác động này gồm gián đoạn chuỗi cung ứng khi bên mua ở Mỹ giảm đơn hàng hoặc đề nghị đàm phán lại giá và giảm FDI, nhất là từ các nhà sản xuất tập trung vào tăng trưởng nhờ xuất khẩu.
