1207/2025 Vượt thách thức để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố biến động khó lường như hiện nay, việc giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu cao đang trở thành thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...

 

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu  trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 215 - 217 tỷ USD, tăng khoảng 13,8 - 14% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với kịch bản tăng trưởng xuất khẩu theo Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ ngày 5/2/2025 thì kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2025 đã cơ bản đạt và vượt mức đề ra. Đây sẽ là lực đẩy cho kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2025 đạt mục tiêu 12%.

Cùng với sự tăng trưởng xuất khẩu, cán cân thương mại của Việt Nam cũng có dấu hiệu tích cực, khi xuất siêu ước đạt từ 3,4 - 4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thặng dư cán cân thương mại không có nghĩa là Việt Nam có thể hoàn toàn yên tâm. Bởi một trong những vấn đề lớn mà Việt Nam cần phải đối mặt là sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu.

CHƯA THỂ YÊN TÂM VỚI THẶNG DƯ THƯƠNG MẠI
Mặc dù khu vực này đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, song các doanh nghiệp FDI cũng đồng thời có thể là yếu tố gây rủi ro khi có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh hoặc sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhấn mạnh đến vấn đề này, PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, Trường đại học Ngoại thương, cho rằng sự phụ thuộc lớn vào khu vực FDI, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và gia công lắp ráp cho thấy một điểm yếu cấu trúc. Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu lớn, nhưng một phần đáng kể giá trị gia tăng lại không được giữ lại trong nước. Ví dụ, khu vực FDI đóng góp 100% giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện, nhưng lại nhập khẩu tới 89% giá trị linh kiện đầu vào. Điều này cho thấy Việt Nam chủ yếu đóng vai trò là điểm lắp ráp cuối cùng, hạn chế giá trị thực sự được tạo ra và giữ lại trong nền kinh tế nội địa.

 

Theo PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, mặc dù có sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Intel, LG, Foxconn, sự đóng góp của khu vực FDI vào tiến bộ khoa học, công nghệ trong nước vẫn còn khiêm tốn. Mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước được mô tả là “lỏng lẻo và thiếu chiều sâu”. Các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, tại hội thảo “Xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường” mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết Việt Nam xuất khẩu hơn 400 tỷ USD (năm 2024), nhưng 300 tỷ USD là của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm được 100 tỷ USD; trong đó, 50 tỷ USD đến từ nông nghiệp, nơi có giá trị gia tăng nội địa lên đến 90%. Còn lại, chỉ 50 tỷ USD đến từ khu vực công nghiệp, con số nghe có vẻ đáng nể nhưng khi “bóc tách”, phần thực sự “của người Việt” chỉ chiếm 35%. Nghĩa là, nếu quy đổi thực chất, chỉ khoảng 17 tỷ USD từ xuất khẩu công nghiệp là có hàm lượng Việt Nam.

“Nhìn lại hành trình phát triển công nghiệp, Việt Nam tự hào với việc thu hút hàng loạt tập đoàn FDI, nhưng nếu phân tích kỹ thì Việt Nam chủ yếu gia công giá rẻ, giá trị gia tăng rất thấp và lợi nhuận thực sự nằm ở các tập đoàn nước ngoài. Việc phụ thuộc vào FDI không chỉ khiến chúng ta tụt hậu về công nghệ, mà còn đánh mất cơ hội có nguồn thu bền vững, chính đáng từ chính nguồn nhân lực dồi dào”, TS.Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.