0205/2024 Xuất khẩu Việt Nam 2024: khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó đoán định

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý 1/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thách thức vẫn tiềm ẩn, đòi hỏi cần bám sát diễn biến thị trường và có giải pháp linh hoạt…

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý 1/2024 đã có những khởi sắc. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 34 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,3%.

Mặt hàng, thị trường đều tăng trưởng
Tính chung quý 1/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%). Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,06 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 21%); tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2%; thị trường EU ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16,3%; Hàn Quốc ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 12,9%; Nhật Bản ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 6,4%.

 



Nhiều thách thức tiềm ẩn, cần bám sát diễn biến thị trường
Mặc dù các kết quả trong quý 1/2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn, như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững….
Kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Ngoài ra, các nước phát triển hiện đang quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.